Sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch bệnh covid 19, thị trường Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng miền Trung đang chuyển mình thức giấc, phát triển trở lại.
Một dự án du lịch nghỉ dưỡng nằm trên tuyến đường ven biển Đà Nẵng – Hội An Ảnh: Lê Phước Bình
Khách du lịch tăng, công suất thuê phòng cũng tăng
Số liệu thống kê của UBND thành phố Đà Nẵng cho thấy lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, các cơ sở lưu trú phục vụ 1,882 triệu lượt khách, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 127 nghìn lượt, tăng 44,3% và khách trong nước ước đạt 1,775 triệu lượt, tăng 86,6%.
Tỉnh Quảng Nam với 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn cũng đã ghi nhận sự phục hồi và phát triển tích cực.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lũy kế 7 tháng năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ.
Trong đó khách quốc tế đạt 167 nghìn lượt khách, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ và khách nội địa đạt hơn 2,9 triệu lượt khách, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tại Quảng Nam đạt gần 5,2 nghìn tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú hơn 569 tỉ đồng, tăng 124,4%, doanh thu dịch vụ ăn uống gần 4,6 nghìn tỉ đồng, tăng 20,2%.
Cũng giống như Quảng Nam và Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận ngành du lịch phục hồi tích cực trong 7 tháng đầu năm 2022, với doanh thu đạt 7.511 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Số lượt khách lưu trú tại Khánh Hòa đạt 1,448 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 69,4 nghìn lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ.
Một dự án của tập đoàn Vingroup tại vùng Đông Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình
Giao dịch đang phục hồi
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2/2022, cả nước có 71 dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp với lưu trú đang triển khai, với 17.757 căn hộ du lịch và 4.321 biệt thự du lịch.
Trong đó, tập trung chủ yếu là tại các tỉnh miền Trung, như Khánh Hòa với 26 dự án, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi với 14 dự án.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nửa đầu năm 2022, một số dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực miền Trung được mở bán và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tại Đà Nẵng có dự án Fushion Resort & Villas Đà Nẵng, The Flimore Da Nang, Aria Đà Nẵng Hotel and Resort.
Tại Khánh Hòa có dự án Cam Ranh Bay Hotel & Resorts và tại Bình Định có dự án The Ocean Villas Quy Nhon và dự án Maia Resort Quy Nhơn.
Riêng về thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Công ty cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục xu hướng chia sẻ lợi nhuận thay vì cam kết lợi nhuận như trước đây.
Đồng thời, các dự án được vận hành bởi thương hiệu quốc tế vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của khách hàng
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường đón nhận nguồn cung mới đến từ 3 dự án với khoảng 103 căn, gấp 6.8 lần so với cùng kỳ năm trước (15 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54% (tương đương 56 căn), gấp 28 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.
Lượng tiêu thụ trong kỳ hầu hết tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và có giá bán dao động từ 15-30 tỉ đồng/căn.
Cũng theo DKRA Vietnam, do chi phí đầu vào, lạm phát ngày càng tăng đã tạo áp lực lên giá bán nên giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng từ 8-10% so với nửa đầu năm 2021.
Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 138 căn mở bán, đến từ giai đoạn tiếp theo của một dự án hiện hữu, gấp đôi năm 2021, chiếm tỷ trọng khoảng 6% trong tổng nguồn cung mới của cả nước.
Nguồn cung phân khúc này tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, riêng Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế không có nguồn cung mới. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 100% (138 căn), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tiêu thụ cả năm 2021.
DKRA Vietnam cho biết thêm, phân khúc condotel chứng kiến sự gia tăng nguồn cung so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận 177 căn condotel mở bán đến từ 2 dự án. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 24% (43 căn), chủ yếu đến từ một dự án trên đường Võ Nguyên Giáp. Mặt bằng giá bán sơ cấp dao động từ 22-120 triệu đồng/m2 và không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Ảnh: Lê Phước Bình
Nhiều cơ hội trong dài hạn
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành tại khu vực miền Trung đang khẩn trương triển khai lập các đồ án quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có nhiều địa phương xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây được xem là cơ hội phát triển mới cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai lập đồ án điều chỉnh quy hoạch để sớm khởi công siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân quy mô 35.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; xúc tiến thủ tục triển khai lập quy hoạch khu đô thị mới Cam Lâm.
Trong dài hạn, Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 cũng đã hé mở nhiều định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực miền Trung.
Theo đó, tại khu vực miền Trung sẽ có 3 cụm liên kết ngành kinh tế biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Tại cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), du lịch ven biển sẽ phát triển các trung tâm, khu du lịch biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế.
Song song với đó là liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh. Tập trung phát triển Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha Kẻ Bàng) có tầm quốc tế cao trong khu vực.
Tại cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), sẽ phát triển du lịch ven biển và du lịch đảo kết hợp du lịch di sản, di tích văn hóa, lịch sử.
Đồng thời liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.
Phát triển các trung tâm du lịch đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam); hình thành khu du lịch quốc tế hóa cao ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển là trung tâm du lịch đảo có tầm quốc tế.
Tương tự, tại cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) sẽ phát triển các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển với trung tâm dịch vụ du lịch ở thành phố Nha Trang, thành phố Quy Nhơn.
Tại đây sẽ hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch. Đồng thời khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa – Nam Phú Yên phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.
Đề án cũng xác định việc phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ.
(Nguồn cafeland)